MENU
Giỏ Hàng

There is no item in your cart

Metformine EG 1000mg trị đái tháo đường tuýp 2 (2 vỉ x 15 viên)

Công dụng của sản phẩm

1. Thành phần

Dược chất: Metformin HCI 1000 mg

Tá dược: Tinh bột ngô, PVP K30, natri starch glycolat, magnesi stearat, HPMC, PEG 6000, bột talc, titan dioxid.

2. Công dụng (Chỉ định)

Metformine EG 1000mg thuốc nhóm thuốc trị bệnh đái tháo đường, được chỉ định trong điều trị bệnh tiểu đường không phụ thuộc insulin (type II) khi không thể điều trị bệnh tăng đường huyết bằng chế độ ăn kiêng. Có thể dùng phối hợp metformin với một sulfonylure khi không thể kiểm soát đường huyết hiệu quả với từng thuốc hoặc với chế độ ăn kiêng.

3. Cách dùng – Liều dùng

Liều khởi đầu là 500 mg/lần, uống 1 lần/ngày (uống vào các bữa ăn sáng). Nếu cần, có thể tăng liều thêm 500 mg mỗi ngày, mỗi tuần tăng 1 lần, cho tới mức liều tối đa là 2000 mg/ngày. Liều dùng metformin được điều chỉnh dựa trên hiệu quả và độ dung nạp của từng bệnh nhân.

Viên PYMETPHAGE 1000 được dùng khi cần tăng liều sau liều khởi đầu. Các tuần sau đó, nếu cần thiết có thể tăng dần đến liều tối đa 1000 mg x 2 lần/ngày (uống vào các bữa ăn sáng và tối).

Điều trị đồng thời bằng metformin và sulfonylure uống:

Nếu người bệnh không đáp ứng với điều trị trong 4 tuần ở liều tối đa metformin trong liệu pháp đơn, cần thêm dần một sulfonylure uống trong khi tiếp tục dùng metformin với liều tối đa, dù trước đó đã điều trị với sulfonylure bị thất bại. Khi điều trị với cả 2 thuốc trong 1 – 3 tháng mà người bệnh không đáp ứng thì nên ngưng điều trị bằng thuốc uống.

Khuyến cáo sử dụng thuốc trên bệnh nhân suy thận:

Đánh giá chức năng thận trước khi khởi đầu điều trị với metformin và đánh giá định kỳ sau đó. Chống chỉ định metformin trên bệnh nhân có eGFR dưới 30 ml/phút/1,73m2.

Không khuyến cáo khởi đầu điều trị với metformin ở bệnh nhân có eGFR nằm trong khoảng 30 – 45 ml/phút/1,73m2.

Ở bệnh nhân đang sử dụng metformin và có eGFR giảm xuống dưới 45 ml/phút/1,73m2, đánh giá nguy cơ – lợi ích khi tiếp tục điều trị.

Ngừng sử dụng metformin nếu bệnh nhân có eGFR giảm xuống dưới 30 ml/phút/1,73m2 [xem mục Chống chỉ định và mục Thận trọng].

Ngừng sử dụng metformin khi thực hiện xét nghiệm chẩn đoán hình ảnh có sử dụng thuốc cản quang chứa iod:

Trên những bệnh nhân có eGFR nằm trong khoảng 30 – 60 ml/phút/1,73m2, trên những bệnh nhân có tiền sử bệnh lý về gan, nghiện rượu hoặc suy tim, hoặc trên những bệnh nhân sẽ sử dụng thuốc cản quang chứa iod qua đường động mạch, ngừng metformin trước hoặc tại thời điểm thực hiện xét nghiệm chẩn đoán hình ảnh có sử dụng thuốc cản quang chứa iod. Đánh giá lại chỉ số eGFR sau khi chiếu chụp 48 giờ, sử dụng lại metformin nếu chức năng thận ổn định

– Quá liều

Ít có thông tin về độc tính cấp của Metformin EG 1000mg. Hạ đường huyết được thông báo ở khoảng 10% số ca sau khi uống ngay những lượng vượt quá 50 g metformin HCI; nhiễm acid lactic xảy ra ở khoảng 32% số ca.

Vì metformin dược đào thải bằng thẩm tách (với độ thanh thải tới 170 ml/phút trong điều kiện thẩm tách máu tốt), vì vậy khuyến cáo thẩm tách máu ngay để giải quyết tình trạng nhiễm acid và đào thải thuốc ứ đọng: với cách chăm sóc này thường hết triệu chứng và hồi phục nhanh.

4. Chống chỉ định

Bệnh nhân có tiền sử quá mẫn với metformin hoặc bất kỳ thành phần nào của thuốc.

Tiểu đường phụ thuộc insulin.

Bệnh nhân toan chuyển hóa cấp tính hoặc mạn tính, bao gồm cả nhiễm toan ceton do tiểu đường.

Suy thận nặng (eGFR dưới 30 ml/phút/1,73m2) [xem mục Thận trọng].

Suy gan, bệnh hô hấp nặng với giảm oxygen huyết, bệnh tim mạch nặng.

Nhiễm khuẩn nặng, nhiễm khuẩn huyết, chấn thương hoặc hoại thư.

Nghiện rượu, thiếu dinh dưỡng.

Người mang thai (phải điều trị bằng insulin, không dùng metformin).

5. Tác dụng phụ

Thường gặp: Có thể xảy ra các rối loạn về đường tiêu hóa vào lúc bắt đầu điều trị, thường là nhất thời như chán ăn, buồn nôn, nôn, tiêu chảy, đầy thượng vị, táo bón, ợ nóng, da có thể nổi ban, mày đay, cảm thụ với ánh sáng, giảm nồng độ vitamin B12.

Ít gặp: Loạn sản máu, thiếu máu bất sản, suy tủy, giảm tiểu cầu, mất bạch cầu hạt, nhiễm acid lactic.

Thông báo ngay cho bác sĩ hoặc dược sĩ những phản ứng có hại gặp phải khi sử dụng thuốc.

6. Lưu ý

– Thận trọng khi sử dụng

Cần khuyến cáo điều tiết chế độ ăn. Điều trị bằng metformin chỉ được coi là hỗ trợ, không phải để thay thế cho việc điều tiết chế độ ăn hợp lý.

Nhiễm toan lactic:

Đã có ghi nhận những ca nhiễm toan lactic liên quan đến metformin, bao gồm cả trường hợp tử vong, giảm thân nhiệt, tụt nhiễm toan acid lactic liên quan đến metformin thường không dễ phát hiện, kèm theo các triệu chứng không điển hình như khó chịu, đau cơ, suy hô hấp, lơ mơ và đau bụng. Nhiễm toan acid lactic liên quan đến metformin được đặc trưng bằng nồng độ lactat tăng lên trong máu (> 5 mmol/lít), khoảng trống anion (không có bằng chứng của keto niệu hoặc keto máu), tăng tỷ lệ lactat/pyruvat và nồng độ metformin huyết tương nói chung tăng > 5 mcg/ml.

Yếu tố nguy cơ của nhiễm toan acid lactic liên quan đến metformin bao gồm suy thận, sử dụng đồng thời với một số thuốc nhất định (ví dụ các chất ức chế carbonic anhydrase như topiramat), từ 65 tuổi trở lên, có thực hiện chiếu chụp sử dụng thuốc cản quang, phẫu thuật và thực hiện các thủ thuật khác, tình trạng giảm oxy hít vào (ví dụ suy tim sung huyết cấp), uống nhiều rượu và suy gan.

Các biện pháp giảm thiểu nguy cơ và xử trí nhiễm toan acid lactic liên quan đến metformin ở nhóm bệnh nhân có nguy cơ cao được trình bày chi tiết trong tờ hướng dẫn sử dụng thuốc

Nếu nghi ngờ có toan lactic liên quan đến metformin, nên ngừng sử dụng metformin, nhanh chóng đưa bệnh nhân đến bệnh viện và tiến hành các biện pháp xử trí. Ở những bệnh nhân đã điều trị với metformin, đã được chẩn đoán toan lactic hoặc nghi ngờ có khả năng cao bị toan lactic, khuyến cáo nhanh chóng lọc máu để điều chỉnh tình trạng nhiễm toan và loại bỏ phần metformin đã bị tích lũy (metformin hydroclorid có thể thẩm tách được với độ thanh thải 170 ml/phút trong điều kiện huyết động lực tốt). Lọc máu có thể làm đảo ngược triệu chứng và hồi phục.

Hướng dẫn cho bệnh nhân và người nhà về các triệu chứng của toan lactic và nếu những triệu chứng này xảy ra, cần ngừng thuốc và báo cáo những triệu chứng này cho bác sĩ.

Đối với mỗi yếu tố làm tăng nguy cơ nhiễm toan lactic liên quan đến metformin, những khuyến cáo nhằm giúp giảm thiểu nguy cơ và xử trí tình trạng toan lactic liên quan đến metformin,cụ thể như sau:

Suy thận: Những ca nhiễm toan lactic liên quan đến metformin ghi nhận được xảy ra chủ yếu trên những bệnh nhân bị suy thận nặng. Nguy cơ tích lũy metformin và nhiễm toan lactic liên quan đến metformin tăng lên theo mức độ nghiêm trọng của suy thận bởi metformin được thải trừ chủ yếu qua thận. Khuyến cáo lâm sàng dựa trên chức năng thận của bệnh nhân bao gồm:

– Trước khi khởi đầu điều trị với metformin cần ước tính mức độ lọc cầu thận (eGFR) của bệnh nhân.

– Chống chỉ định metformin trên bệnh nhân có eGFR dưới 30 ml/ phút/1,73m2 [xem mục Chống chỉ định].

– Không khuyến cáo khởi đầu điều trị với metformin ở bệnh nhân có eGFR nằm trong khoảng 30 – 45 ml/phút/1,73m2.

– Thu thập dữ liệu về eGFR ít nhất 1 lần/năm ở tất cả các bệnh nhân sử dụng metformin. Ở bệnh nhân có khả năng tăng nguy cơ suy thận (ví dụ như người cao tuổi), chức năng thận nên được đánh giá thường xuyên hơn.

– Ở bệnh nhân đang sử dụng metformin và có eGFR giảm xuống dưới 45 ml/phút/1,73m2, đánh giá nguy cơ – lợi ích của việc tiếp tục phác đồ.

Tương tác thuốc: Sử dụng đồng thời metformin với một số thuốc có thể làm tăng nguy cơ nhiễm toan lactic liên quan đến metformin: bệnh nhân suy giảm chức năng thận dẫn tới những thay đổi đáng kể về mặt huyết động, ảnh hưởng tới cân bằng acid-base hoặc làm tăng tích lũy metformin [xem mục Tương tác thuốc]. Vì vậy, cân nhắc theo dõi bệnh nhân thường xuyên hơn.

Bệnh nhân từ 65 tuổi trở lên: Nguy cơ toan lactic liên quan đến metformin tăng lên theo tuổi của bệnh nhân, vì bệnh nhân cao tuổi có khả năng bị suy gan, suy thận, suy tim lớn hơn những bệnh nhân trẻ tuổi hơn. Cần đánh giá chức năng thận thường xuyên hơn đối với những bệnh nhân lớn tuổi.

Thực hiện các xét nghiệm chẩn đoán có sử dụng thuốc cản quang: Tiêm thuốc cản quang vào nội mạch ở những bệnh nhân đang điều trị metformin có thể dẫn tới suy giảm cấp tính chức năng thận và gây ra toan lactic. Ngừng sử dụng metformin trước hoặc tại thời điểm thực hiện chiếu chụp có sử dụng thuốc cản quang có chứa iod ở những bệnh nhân có eGFR nằm trong khoảng 30 – 60 ml/phút/1,73m2, những bệnh nhân có tiền sử suy gan, nghiện rượu, suy tim hoặc những bệnh nhân sẽ sử dụng thuốc cản quang chứa iod theo đường động mạch. Đánh giá lại eGFR 48 giờ sau khi chiếu chụp và sử dụng lại metformin nếu chức năng thận ổn định.

Phẫu thuật hoặc các thủ thuật khác: Sự lưu giữ thức ăn và dịch trong quá trình phẫu thuật hoặc thực hiện các thủ thuật khác có thể làm tăng nguy cơ giảm thể tích, tụt huyết áp và suy thận. Nên tạm thời ngừng sử dụng metformin khi bệnh nhân bị giới hạn lượng thức ăn và dịch nạp vào.

Tình trạng giảm oxy hít vào: Đã có ghi nhận một số ca nhiễm toan lactic liên quan đến metformin xảy ra trong bệnh cảnh suy tim sung huyết cấp (đặc biệt khi có kèm theo giảm tưới máu và giảm oxy huyết). Trụy tim mạch (sốc), nhồi máu cơ tim cấp, nhiễm khuẩn huyết và các bệnh lý khác liên quan đến giảm oxy huyết có mối liên quan với toan lactic và cũng có thể gây nitơ huyết trước thận. Khi những biến cố này xảy ra, ngừng metformin.

Khả năng ảnh hưởng đến tác động của metformin lên chuyển hóa lactat và từ dó có thể làm tăng nguy cơ nhiễm toan lactic liên quan đến metformin. Cảnh báo bệnh nhân không uống rượu khi sử dụng metformin.

Suy gan: Bệnh nhân suy gan có thể tiến triển thành toan lactic liên quan đến metformin do suy giảm thải trừ lactat, dẫn tới tăng nồng độ lactat trong máu. Vì vậy, tránh sử dụng metformin trên những bệnh nhân đã được chẩn đoán bệnh gan thông qua bằng chứng xét nghiệm hoặc lâm sàng.

– Thai kỳ và cho con bú

Metformin chống chỉ định đối với người mang thai. Cần cân nhắc nên ngừng cho con bú hoặc ngừng thuốc, căn cứ vào mức độ quan trọng của thuốc đối với mẹ.

– Khả năng lái xe và vận hành máy móc

Thận trọng sử dụng khi lái xe, vận hành máy móc do có thể giảm đường huyết.

– Tương tác thuốc

Không nên dùng đồng thời với cimetidin, ranitidin, trimethoprim, vancomycin.

Thận trọng khi dùng đồng thời với thuốc lợi tiểu, corticosteroid, thuốc cản quang có iod, phenytoin, thuốc ức chế beta- adrenergic, isoniazid.

7. Dược lý

– Dược động học (Tác động của cơ thể với thuốc)

Metformin hấp thu chậm và không hoàn toàn qua đường tiêu hóa. Thức ăn làm giảm mức độ hấp thu và làm chậm sự hấp thu metformin. Metformin liên kết với protein huyết tương mức độ không đáng kể, phân bố nhanh vào các mô và dịch cơ thể. Thuốc cũng được phân bố vào hồng cầu. Metformin không bị chuyển hóa ở gan, và không bài tiết qua mật. Chủ yếu bài tiết ở ống thận. Sau khi uống, khoảng 90% lượng thuốc hấp thu được thải trừ qua đường thận trong 24 giờ đầu ở dạng không chuyển hóa. Thời gian bán thải huyết tương là 1,5 – 4,5 giờ. Có thể có sự tích lũy trong trường hợp suy giảm chức năng thận. Độ thanh thải metformin qua thận giảm ở người bệnh suy thận và người cao tuổi.

– Dược lực học (Tác động của thuốc lên cơ thể)

Metformin là thuốc điều trị bệnh tiểu đường nhóm biguanid. Metformin không kích thích giải phóng insulin từ các tế bào beta tuyến tụy. Thuốc không có tác dụng hạ đường huyết ở người không bị bệnh tiểu đường. Metformin làm giảm sự tăng dưỡng huyết nhưng không gây tai biến hạ đường huyết (trừ trường hợp nhịn đói hoặc phối hợp thuốc hiệp đồng tác dụng).

Metformin làm giảm nồng độ glucose trong huyết tương, khi đói và sau bữa ăn, ở người bệnh tiểu đường type II. Cơ chế tác dụng ngoại biên là làm tăng sử dụng glucose ở tế bào, cải thiện liên kết của insulin với thụ thể, ức chế tổng hợp glucose ở gan và giảm hấp thu glucose ở ruột. Trong trường hợp đơn trị liệu không hiệu quả có thể dùng phối hợp metformin với sulfonylure.

8. Thông tin thêm

– Bảo quản

Dưới 30°C. Tránh ẩm và ánh sáng.

– Hạn dùng

36 tháng kể từ ngày sản xuất.

– Nhà sản xuất

Pymepharco.

DS HUỲNH THỊ NGỌC HIỀN

DS HUỲNH THỊ NGỌC HIỀN

Dược sĩ Huỳnh Thị Ngọc Hiền, Giám đốc Công ty TNHH MTV Dược Phẩm - Thiết Bị Y Tế Ngọc Hiền, là một chuyên gia trong lĩnh vực dược phẩm và thiết bị y tế. Với kinh nghiệm và kiến thức chuyên môn sâu rộng, đã góp phần mang đến những sản phẩm và dịch vụ chất lượng cao cho cộng đồng. Công ty Ngọc Hiền, tọa lạc tại địa chỉ 37D Hải Thượng Lãn Ông, khóm 6, phường 6, TP Cà Mau, luôn nỗ lực cung cấp những giải pháp tối ưu cho nhu cầu chăm sóc sức khỏe của người dân.