MENU
Giỏ Hàng

There is no item in your cart

Viên nén Carsantin 6,25mg điều trị tăng huyết áp, suy tim (3 vỉ x 10 viên)

Công dụng của sản phẩm

Viên nén Carsantin 6,25mg Là gì?

Viên nén Carsantin 6,25mg là một loại thuốc được sử dụng để điều trị một số tình trạng y tế nhất định. Carsantin chứa thành phần hoạt chất chính là Carvedilol, một loại thuốc thuộc nhóm beta-blocker. Carvedilol có tác dụng chính là làm giảm huyết áp, cải thiện chức năng tim và giảm triệu chứng của suy tim mạn tính.

Viên nén Carsantin 6,25mg thường có hình dạng viên tròn, bọc lớp bao phim màu trắng hoặc vàng nhạt. Thuốc được dùng theo chỉ định của bác sĩ, thường bắt đầu với liều thấp và có thể điều chỉnh tùy thuộc vào tình trạng sức khỏe và phản ứng của bệnh nhân. Hãy tuân theo hướng dẫn của bác sĩ và không tự ý thay đổi liều dùng hoặc ngừng thuốc.

Thành phần Viên nén Carsantin 6,25mg

  • Hoạt chất: Carvedilol 6.25mg.
  • Tá dược: Cellulose vi tinh thể, silic dioxyd keo khan, magnesi stearat

Công dụng Viên nén Carsantin 6,25mg

Chỉ định (Thuốc dùng cho bệnh gì?)

  • Điều trị tăng huyết áp vô căn
  • Điều trị đau thắt ngực ổn định mạn tính.
  • Điều trị hỗ trợ suy tim mạn tính ổn định mức độ trung bình – nặng.

Tác dụng phụ Viên nén Carsantin 6,25mg

Rất thường gặp, ADR >1/10

  • Toàn thân: Chóng mặt, đau đầu, suy nhược.
  • Tim mạch: Suy tim, hạ HA.

* Thường gặp (1/100 ≤ ADR < 1/10):

  • Nhiễm trùng, nhiễm ký sinh: Viêm phế quản, viêm phổi, nhiễm khuẩn đường hô hấp trên, nhiễm khuẩn đường tiết niệu.
  • Huyết học: Thiếu máu.
  • Chuyển hóa: Tăng cân, tăng cholesterol máu, mất kiểm soát đường huyết ở bệnh nhân đái tháo đường.
  • Thần kinh: Trầm cảm, suy sụp.
  • Mắt: Giảm thị lực, khô mắt, kích ứng mắt.
  • Tim mạch: Tim chậm, phù, tăng thể tích máu, ứ dịch; hạ huyết áp thế đứng, rối loạn tuần hoàn ngoại vi.
  • Hô hấp: Khó thở, phù phổi, hen suyễn.
  • Tiêu hóa: Buồn nôn, tiêu chảy, khó tiêu, đau bụng.
  • Cơ xương: Đau ở chi.
  • Thận: Suy thận, bất thường chức năng thận ở bệnh nhân có bệnh mạch máu hoặc suy thận, rối loạn tiểu tiện.

* Hướng dẫn cách xử trí ADR:

Khi gặp tác dụng phụ của thuốc, cần ngưng sử dụng và thông báo cho bác sĩ hoặc đến cơ sở y tế gần nhất để được xử trí kịp thời.

* Quá liều và cách xử trí:

  • Triệu chứng: Trong trường hợp quá liều, có thể gây hạ huyết áp nghiêm trọng, chậm nhịp tim, suy tim, sốc tim, ngừng tim. Cũng có thể xảy ra các vấn đề ở đường hô hấp, co thắt phế quản, nôn mửa, rối loạn nhận thức, động kinh toàn thể.

Cách xử trí:

  • Điều trị hỗ trợ tổng quát, theo dõi và điều trị các sinh hiệu sống. Nếu cần thiết, cần chăm sóc đặc biệt. Sử dụng atropin khi tim chậm quá mức, hỗ trợ chức năng tâm thất bằng glucagon tĩnh mạch hoặc dùng các thuốc kích thích giao cảm (dobutamin, isoprenalin). Nếu cần sử dụng tác nhân dẫn truyền dương tính, cân nhắc dùng chất ức chế phosphodiesterase.
  • Trong trường hợp sự giãn mạch ngoại biên gây độc tính, nên sử dụng noradrenalin và tiếp tục theo dõi tuần hoàn. Trong trường hợp tim chậm kháng trị, nên đặt máy điều hòa nhịp tim tại chỗ. Nếu xảy ra co thắt phế quản, sử dụng thuốc kích thích giao cảm beta (dạng khí dung hoặc tiêm tĩnh mạch), hoặc tiêm truyền tĩnh mạch chậm aminophyllin.
  • Sử dụng diazepam hoặc clonazepam khi xảy ra động kinh. Carvedilol liên kết mạnh với protein huyết tương. Vì vậy, không thể loại trừ bằng phương pháp thẩm phân.
  • Trong trường hợp quá liều nặng với triệu chứng sốc, cần duy trì điều trị hỗ trợ lâu dài cho đến khi tình trạng của bệnh nhân ổn định vì có thể kéo dài thời gian bán thải hoặc tái phân bố carvedilol vào các khoang sâu hơn của cơ thể.

Lưu ý

Chống chỉ định (Khi nào không nên dùng thuốc này?)

  • Quá mẫn với carvedilol hay bất kỳ thành phần nào của thuốc.
  • Suy tim độ IV theo phân loại NYHA kèm theo giữ nước đáng kể hoặc truyền tĩnh mạch quá tải các tác nhân ảnh hưởng đến co thắt cơ tim.
  • Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính hoặc tắc nghẽn phế quản.
  • Suy gan đáng kể trên lâm sàng.
  • Hen phế quản.
  • Block nhĩ thất độ II hoặc III (trừ trường hợp đặt máy tạo nhịp tại chỗ vĩnh viễn).
  • Chậm nhịp tim nặng (< 50 nhịp/phút).
  • Hội chứng yếu nút xoang (kể cả block xoang nhĩ)
  • Sốc tim.
  • Hạ huyết áp nghiêm trọng (huyết áp tâm thu dưới 85 mmHg)
  • Đau thắt ngực kiểu Prinzmetal.
  • U tủy thượng thận không điều trị.
  • Nhiễm toan chuyển hóa.
  • Rối loạn tuần hoàn động mạch ngoại biên nghiêm trọng.
  • Sử dụng đồng thời với verapamil hoặc diltiazem tiêm tĩnh mạch

Thận trọng (Những lưu ý khi dùng thuốc)

  •  Thận trọng đặc biệt ở bệnh nhân suy tim.
  •  Ở bệnh nhân suy tim mạn tính, carvedilol được sử dụng chủ yếu với thuốc lợi tiểu, thuốc ức chế enzym chuyển angiotensin, glycosid trợ tim và/ hoặc thuốc giãn mạch. Việc khởi đầu điều trị nên được giám sát bởi bác sĩ chuyên khoa. Chỉ nên sử dụng thuốc khi bệnh nhân đã ổn định với liệu pháp điều trị chuẩn trong ít nhất 4 tuần.
  •  Bệnh nhân suy tim nặng, mất muối và nước, người cao tuổi, hoặc bệnh nhân huyết áp thấp nên được theo dõi trong khoảng 2 giờ đầu sau khi sử dụng liều đầu tiên hoặc sau giai đoạn tăng liều vì hạ huyết áp có thể xảy ra. Hạ huyết áp do giãn mạch quá mức nên được điều trị bằng cách giảm liều thuốc lợi tiểu. Nếu vẫn không khỏi, nên giảm liều thuốc ức chế enzym chuyển angiotensin.
  •  Tại thời điểm khởi đầu điều trị hoặc tăng liều, có thể xảy ra giữ nước hoặc làm trầm trọng thêm tình trạng suy tim, trong trường hợp này, nên tăng liều thuốc lợi tiểu. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, có thể cần phải giảm liều hoặc ngừng sử dụng carvedilol. Không nên tăng liều carvedilol trước khi kiểm soát được các triệu chứng gây ra bởi tình trạng suy tim nặng hơn hoặc hạ huyết áp do giãn mạch.
  •  Giảm chức năng thận có hồi phục đã được quan sát thấy trong suốt quá trình điều trị với carvedilol ở bệnh nhân suy tim có huyết áp thấp (huyết áp tâm thu < 100 mmHg), bệnh tim thiếu máu cục bộ hoặc xơ vữa động mạch diện rộng và/ hoặc bị suy thận. Ở bệnh nhân suy tim có các yếu tố nguy cơ trên, nên theo dõi chức năng thận khi điều trị với carvedilol. Nếu chức năng thận xấu đi đáng kể, nên giảm liều hoặc ngừng sử dụng carvedilol.
  •  Sử dụng carvedilol thận trọng ở bệnh nhân suy tim mạn tính điều trị với glycosid tim vì carvedilol và glycosid tim đều có thể kéo dài thời gian dẫn truyền nhĩ thất.
  •  Các thận trọng thường gặp khác đối với carvedilol và nhóm thuốc chẹn thụ thể beta.
  •  Các thuốc chẹn thụ thể beta không chọn lọc có thể gây đau thắt ngực ở bệnh nhân đau thắt ngực thể Prinzmetal. Do không có kinh nghiệm lâm sàng, cần thận trọng khi sử dụng carvedilol ở những bệnh nhân này.
  •  Không nên sử dụng carvedilol ở bệnh nhân mắc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính có khuynh hướng co thắt phế quản mà không điều trị với các thuốc đường uống hoặc khí dung. Chỉ nên sử dụng khi lợi ích vượt hơn hẳn nguy cơ, nên theo dõi bệnh nhân khi mới bắt đầu dùng thuốc hoặc tăng liều. Nếu xảy ra co thắt phế quản, nên giảm liều carvedilol.
  •  Carvedilol có thể che giấu các triệu chứng và dấu hiệu hạ đường huyết cấp tính. Đã có báo cáo về thất bại trong kiểm soát đường huyết ở bệnh nhân đái tháo đường và suy tim khi sử dụng carvedilol. Vì vậy, nên theo dõi chặt chẽ đường huyết ở bệnh nhân đái tháo đường, đặc biệt trong giai đoạn điều chỉnh liều. Nên theo dõi nồng độ đường huyết cẩn thận sau đợt nhịn đói lâu dài.
  •  Carvedilol có thể che giấu dấu hiệu và triệu chứng của bệnh cường tuyến giáp.
  •  Carvedilol có thể gây chậm nhịp tim, nếu nhịp tim xuống dưới 55 nhịp/phút và xảy ra các triệu chứng lâm sàng do chậm nhịp tim, cần giảm liều carvedilol.
  •  Khi sử dụng carvedilol đồng thời với thuốc chẹn kênh calci như verapamil, diltiazem hoặc các thuốc điều trị loạn nhịp tim khác, đặc biệt là amiodaron, nên theo dõi huyết áp và điện tâm đồ. Tránh sử dụng đồng thời các thuốc trên.
  •  Thận trọng khi sử dụng đồng thời với cimetidin vì có thể làm tăng tác động của carvedilol.
  •  Bệnh nhân đang sử dụng kính sát tròng nên được cảnh báo về khả năng giảm tiết tuyến lệ.
  •  Thận trọng khi sử dụng carvedilol ở bệnh nhân có tiền sử có các phản ứng dị ứng nghiêm trọng và đang sử dụng thuốc gây tê vì thuốc chẹn thụ thể beta có thể làm tăng nhạy cảm với kháng nguyên và mức độ nghiêm trọng của phản ứng phản vệ. Nên thận trọng khi chỉ định carvedilol ở bệnh nhân vảy nến vì có thể làm trầm trọng các phản ứng ở da.
  •  Thận trọng khi sử dụng carvedilol ở người có bệnh mạch máu ngoại biên hoặc hội chứng Raynaud, vì thuốc chẹn beta có thể làm trầm trọng thêm các triệu chứng của bệnh.
  •  Theo dõi cẩn thận bệnh nhân chuyển hóa kém debrisoquin giai đoạn khởi đầu điều trị.
  •  Do thiếu kinh nghiệm lâm sàng, không nên sử dụng carvedilol ở bệnh nhân tăng huyết áp thứ phát, tăng huyết áp không ổn định, tăng huyết áp thế đứng, bệnh tim cấp tính, tắc nghẽn huyết động van tim hoặc luồng ra của tim, bệnh động mạch ngoại biên giai đoạn cuối, sử dụng đồng thời với thuốc đối kháng thụ thể alpha1 hoặc chủ vận thụ thể alpha2.
  •  Ở bệnh nhân u tủy thượng thận, nên điều trị với thuốc chẹn thụ thể alpha trước khi bắt đầu điều trị với thuốc chẹn thụ thể beta. Mặc dù carvedilol thể hiện tác động chẹn cả thụ thể alpha và beta, nhưng vì thiếu kinh nghiệm, không nên sử dụng ở những bệnh nhân trên. Do tác động dẫn truyền âm tính, không sử dụng carvedilol ở bệnh nhân block tim độ 1.
  •  Thuốc chẹn thụ thể beta làm giảm nguy cơ loạn nhịp do quá trình gây mê nhưng nguy cơ hạ huyết áp có thể gia tăng. Cần thận trọng ở bệnh nhân sử dụng các thuốc gây tê hoặc gây mê. Tuy nhiên, các nghiên cứu gần đây cho thấy lợi ích vượt trội của thuốc chẹn thụ thể beta trong việc phòng ngừa sự trầm trọng hơn của bệnh tim quanh phẫu thuật và các biến chứng trên tim mạch.
  •  Giống như các thuốc chẹnthụ thể beta khác, không nên ngừng sử dụng đột ngột carvedilol, đặc biệt ở người mắc bệnh tim thiếu máu cục bộ. Nên ngừng thuốc dần trong vòng 2 tuần (ví dụ giảm 1/2 liều dùng hàng ngày mỗi 3 ngày). Nếu cần thiết, có thể bắt đầu phương pháp điều trị thay thế khác để phòng ngừa tình trạng đau thắt ngực trầm trọng hơn.

* Sử dụng thuốc cho phụ nữ có thai và cho con bú:

  • Phụ nữ có thai: Chưa có nghiên cứu đầy đủ về việc sử dụng carvedilol trong thai kỳ, nghiên cứu trên động vật cho thấy thuốc gây độc tính sinh sản. Nghiên cứu trên chuột cống và thỏ cho thấy liều gấp 25 lần (trên thỏ) và 50 lần liều tối đa ở người (trên chuột cống) ảnh hưởng tới khả năng thụ thai và cân nặng thai. Ở chuột nhắt liều gấp 10 lần và thỏ liều gấp 5 lần không quan sát thấy ảnh hưởng. Không có nghiên cứu đầy đủ và được kiểm soát tốt. Thuốc chỉ được sử dụng trên phụ nữ mang thai khi lợi ích vượt trội nguy cơ.
  • Phụ nữ cho con bú: Carvedilol có độ hòa tan trong lipid cao và dựa theo các kết quả nghiên cứu trên động vật, carvedilol và các chất chuyển hóa có thể phân bố vào sữa mẹ. Vì vậy, người mẹ cho con bú không nên sử dụng carvedilol. Ngừng thuốc hoặc ngừng cho con bú tùy vào mức độ cần thiết của thuốc đối với người mẹ.

* Ảnh hưởng của thuốc lên khả năng lái xe, vận hành máy móc:

  • Thuốc có ảnh hưởng mức độ thấp đến khả năng lái xe và vận hành máy móc. Một số bệnh nhân có thể bị giảm tỉnh táo trong giai đoạn đầu dùng thuốc và giai đoạn điều chỉnh liều.

Tương tác thuốc

  •  Thuốc chống loạn nhịp: Các báo cáo ca riêng biệt về rối loạn khả năng dẫn truyền (hiếm khi suy giảm huyết động) đã được báo cáo khi sử dụng đồng thời carvedilol và diltiazem, verapamil và/ hoặc amiodaron. Giống các thuốc chẹn thụ thể beta khác, nên theo dõi cẩn thận điện tâm đồ và huyết áp khi sử dụng đồng thời với thuốc chẹn calci như verapamil và diltiazem do nguy cơ rối loạn dẫn truyền nhĩ thất và suy tim. Cần theo dõi cẩn thận khi sử dụng đồng thời carvedilol, amiodaron hoặc các thuốc chống loạn nhịp nhóm I. Tim chậm, ngừng tim, rối loạn nhịp thất đã được báo cáo ngay sau khi sử dụng thuốc chẹn thụ thể beta ở bệnh nhân sử dụng amiodaron. Nguy cơ suy tim tăng khi sử dụng đồng thời với thuốc chống loạn nhịp nhóm Ia, Ic tiêm tĩnh mạch.
  •  Reserpin, guanethidin, methyldopa, guafacin và thuốc ức chế monoamin oxidase (trừ thuốc ức chế MAO  B): Có thể gây giảm nhịp tim.
  •  Dihydropirydin: Đã có báo cáo suy tim và hạ huyết áp nghiêm trọng khi sử dụng đồng thời dihydropyridin và carvedilol.
  •  Nitrat: Làm tăng tác động hạ huyết áp.
  •  Glycosid tim: Làm tăng nồng độ ở trạng thái ổn định của digoxin khoảng 16% và của digitoxin khoảng 13% ở bệnh nhân tăng huyết áp sử dụng đồng thời carvedilol và các thuốc trên. Theo dõi digoxin huyết tương khi khởi đầu, điều chỉnh liều hoặc ngừng sử dụng carvedilol.
  •  Các thuốc điều trị tăng huyết áp khác: Carvedilol làm tăng hiệu quả của các thuốc điều trị tăng huyết áp khác (như thuốc đối kháng thụ thể alpha  1) và các thuốc có thể gây hạ huyết áp như barbiturat, phenothiazin, thuốc chống trầm cảm ba vòng, thuốc giãn mạch, rượu.
  •  Cyclosporin: Tăng nhẹ nồng độ cyclosporin khi sử dụng đồng thời với carvedilol. Do kinh nghiệm khác nhau trong việc điều chỉnh liều cyclosporin, cần theo dõi cẩn thận nồng độ cyclosporin sau khi khởi đầu điều trị với carvedilol.
  •  Thuốc điều trị đái tháo đường đường uống, kể cả insulin: Có thể làm tăng hiệu quả hạ đường huyết của các thuốc trên. Carvedilol che giấu các dấu hiệu hạ đường huyết. Cần theo dõi thường xuyên đường huyết ở bệnh nhân đái tháo đường.
  •  Clonidin: Khi ngừng sử dụng carvedilol và clonidin, cần ngừng carvedilol vài ngày trước khi ngừng clonidin.
  •  Thuốc gây tê khí dung: Có tác động hiệp lực, tăng tác động co thắt cơ tim âm tính và hạ huyết áp.
  •  Thuốc kháng viêm không steroid, estrogen và corticosteroid: Làm giảm tác dụng điều trị tăng huyết áp của carvedilol do tác dụng giữ muối và nước.
  •  Thuốc ức chế hoặc cảm ứng enzym cytochrom P450: Bệnh nhân sử dụng đồng thời thuốc cảm ứng (rifampicin, barbiturat) hoặc ức chế (cimetidin, ketoconazol, fluoxetin, haloperidol, verapamil, erythromycin) enzym cytochrom P450 cần được theo dõi cẩn thận trong suốt quá trình điều trị với carvedilol vì nồng độ carvedilol huyết thanh có thể bị thay đổi bởi các thuốc trên. Rifampicin giảm khoảng 70% nồng độ carvedilol huyết tương, cimetidin tăng giá trị AUC khoảng 30% nhưng không làm thay đổi Cmax.
  •  Thuốc kích thích thần kinh giao cảm có tác động tương tự alpha và beta: Nguy cơ tăng huyết áp và tim chậm quá mức.
  •  Ergotamin: Tăng co mạch.
  •  Thuốc chẹn thần kinh cơ: Tăng nguy cơ chẹn thần kinh cơ.

* Tương kỵ của thuốc:

  • Do không có các nghiên cứu về tính tương kỵ của thuốc, không trộn lẫn thuốc này với các thuốc khác.

Cách dùng Viên nén Carsantin 6,25mg

* Cách dùng:

  • Sử dụng thuốc với lượng nước vừa đủ. Ở bệnh nhân suy tim, khuyến cáo nên uống thuốc chung với thức ăn để làm chậm tốc độ hấp thu, giảm nguy cơ hạ huyết áp thế đứng.

* Liều dùng:

  • Điều trị tăng huyết áp vô căn: Liều đơn tối đa theo khuyến cáo là 25mg, liều dùng hàng ngày tối đa theo khuyến cáo là 50mg/ngày
    • Người lớn: Liều khởi đầu khuyến cáo là 12,5mg/lần/ngày trong 2 ngày đầu. Sau đó, tăng liều đến 25mg/lần/ngày. Có thể tăng dần liều ít nhất mỗi 2 tuần nếu cần.
    • Người cao tuổi: Liều khởi đầu và liều duy trì khuyến cáo là 12,5mg/lần/ngày. Tuy nhiên, nếu không đạt đầy đủ hiệu quả điều trị ở mức liều này, có thể tăng dần liều ít nhất mỗi 2 tuần.
  • Điều trị đau thắt ngực ổn định mạn tính:
    • Người lớn: Liều khởi đầu khuyến cáo là 12,5mg/lần x 2 lần/ngày trong 2 ngày đầu.Sau đó, tăng liều đến 25mg/lần x 2 lần/ngày. Nếu cần, có thể tăng liều dần ít nhất mỗi 2 tuần cho đến liều tối đa khuyến cáo là 100mg/ngày (chia làm 2 lần/ngày).
    • Người cao tuổi: Liều khởi đầu khuyến cáo là 12,5mg/lần x 2 lần/ngày. Sau đó, tăng đến liều tối đa khuyến cáo là 25mg/lần x 2 lần/ngày.

Điều trị hỗ trợ suy tim mạn tính ổn định mức độ trung bình đến nặng:

Trước khi bắt đầu điều trị với carvedilol, bệnh nhân phải được điều trị với phác đồ chuẩn bao gồm thuốc lợi tiểu, thuốc ức chế enzym chuyển angiotensin, glycosid trợ tim và/ hoặc thuốc giãn mạch. Bệnh nhân phải ổn định trên lâm sàng (không có thay đổi theo phân loại NYHA, không phải nhập viện do suy tim) và liệu pháp điều trị chuẩn phải được ổn định trong ít nhất 4 tuần trước khi điều trị. Ngoài ra, bệnh nhân cần có phân suất tống máu thất trái thấp, nhịp tim > 50 nhịp/phút và huyết áp tâm thu > 85mmHg.

Liều khởi đầu khuyến cáo là 3,125mg/lần x 2 lần/ngày trong 2 tuần. Sau đó, nếu bệnh nhân dung nạp được mức liều này, có thể tăng dần trong ít nhất mỗi 2 tuần đến liều 6,25mg/lần x 2 lần/ngày, tiếp theo là 12,5mg/lần x 2 lần/ngày và cuối cùng là 25mg/lần x 2 lần/ngày. Nên tăng liều đến mức tối đa dung nạp được.

Liều khuyến cáo tối đa là 25 mg/lần x 2 lần/ngày ở bệnh nhân < 85kg hoặc 50mg/lần x 2 lần/ngày ở bệnh nhân > 85kg, với điều kiện là suy tim không nghiêm trọng. Việc tăng liều đến 50mg/lần x 2 lần/ngày nên được thực hiện cẩn thận dưới sự giám sát của bác sĩ.

Tình trạng làm xấu hơn một cách thoáng qua các triệu chứng của bệnh suy tim có thể xảy ra ở giai đoạn đầu của quá trình điều trị hoặc thời điểm tăng liều, đặc biệt ở bệnh nhân suy tim nặng và/ hoặc sử dụng thuốc lợi tiểu liều cao. Điều này thường không đòi hỏi phải ngưng sử dụng thuốc, tuy nhiên, không nên tăng liều. Bệnh nhân nên được theo dõi cẩn thận bởi bác sĩ chuyên khoa trong 2 giờ sau khi khởi đầu điều trị hoặc tăng liều.

Trước mỗi đợt tăng liều, cần tiến hành kiểm tra các triệu chứng báo hiệu suy tim nghiêm trọng hơn hoặc các triệu chứng giãn mạch quá mức (như suy thận, khối lượng cơ thể, huyết áp, nhịp tim). Nếu suy tim trầm trọng hơn hoặc xảy ra tình trạng giữ nước, cần điều trị bằng cách tăng liều thuốc lợi tiểu và không nên tăng liều carvedilol cho đến khi bệnh nhân ổn định.

Nếu nhịp tim chậm hoặc kéo dài dẫn truyền nhĩ thất, trước tiên nên theo dõi nồng độ digoxin. Thỉnh thoảng, có thể cần giảm liều hoặc ngừng tạm thời carvedilol. Thậm chí trong những trường hợp này, việc điều chỉnh liều với carvedilol có thể diễn tiến thành công.

Cần theo dõi thường xuyên chức năng thận, tiểu cầu và đường huyết trong quá trình điều chỉnh liều. Sau khi điều chỉnh liều, tần suất theo dõi có thể giảm.

Nếu ngừng sử dụng carvedilol trong thời gian nhiều hơn 2 tuần, nên khởi đầu lại với liều 3,125mg/lần x 2 lần/ngày và tăng dần liều theo khuyến cáo trên. Liều lượng ở một số đối tượng lâm sàng đặc biệt:

Suy thận: Nên xác định liều cụ thể theo từng cá nhân, tuy nhiên, theo các thông số dược động học, việc điều chỉnh liều không cần thiết ở bệnh nhân suy thận.

Suy gan trung bình: Cần thiết phải điều chỉnh liều.

Trẻ em dưới 18 tuổi: Không khuyến cáo sử dụng carvedilol ở trẻ em dưới 18 tuổi do thiếu dữ liệu về tính an toàn và hiệu quả của thuốc.

Người cao tuổi: Người cao tuổi thường nhạy cảm với tác động của thuốc hơn, cần theo dõi cẩn thận. Giống như các thuốc chẹn thụ thể beta khác, đặc biệt ở người mắc bệnh mạch vành, quá trình ngừng thuốc nên diễn ra dần trước khi ngừng hẳn.

Lưu ý:

Liều dùng trên chỉ mang tính chất tham khảo. Liều dùng cụ thể tùy thuộc vào thể trạng và mức độ diễn tiến của bệnh. Để có liều dùng phù hợp, bạn cần tham khảo ý kiến bác sĩ hoặc chuyên viên y tế.

Thông tin sản xuất

Bảo quản: Nơi khô, dưới 30°C, tránh ánh sáng

Đóng gói: Hộp 3 vỉ x 10 viên

Thương hiệu: Hasan – Demarpharm

Nơi sản xuất: Công ty TNHH liên doanh HASAN- DEMAPHARM (Việt Nam)

Mọi thông tin trên đây chỉ mang tính chất tham khảo. Việc sử dụng thuốc phải tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, dược sĩ.
Vui lòng đọc kĩ thông tin chi tiết ở tờ rơi bên trong hộp sản phẩm.

Câu hỏi thường gặp về Viên nén Carsantin 6,25mg

1. Carsantin là thuốc gì?

  • Carsantin là tên thương mại của một loại thuốc có chứa thành phần chính là Carvedilol, một loại thuốc thuộc nhóm ức chế beta và alpha. Nó thường được sử dụng để điều trị tăng huyết áp và suy tim.

2. Carsantin 6,25mg có công dụng gì?

  • Carsantin 6,25mg được dùng chủ yếu để điều trị tăng huyết áp, suy tim và trong một số trường hợp bệnh mạch vành. Nó giúp làm giảm huyết áp và cải thiện chức năng tim bằng cách làm giảm sức căng của tim và mạch máu.

3. Cách sử dụng Carsantin 6,25mg như thế nào?

  • Bạn nên uống thuốc theo chỉ dẫn của bác sĩ. Thông thường, thuốc được uống một lần hoặc hai lần mỗi ngày với hoặc không có thức ăn. Không tự ý điều chỉnh liều lượng mà không có sự chỉ định của bác sĩ.

4. Có tác dụng phụ nào khi sử dụng Carsantin không?

  • Có thể có một số tác dụng phụ khi sử dụng Carsantin, bao gồm chóng mặt, mệt mỏi, nhức đầu, hoặc tiêu chảy. Nếu bạn gặp phải các triệu chứng nghiêm trọng như khó thở, phù nề, hoặc phản ứng dị ứng nghiêm trọng, bạn nên liên hệ ngay với bác sĩ.

5. Có cần phải thận trọng khi sử dụng Carsantin không?

  • Có. Nếu bạn có tiền sử bệnh gan, bệnh thận, hoặc vấn đề về tim mạch nghiêm trọng, bạn cần thông báo cho bác sĩ. Ngoài ra, việc ngưng thuốc đột ngột có thể gây ra các vấn đề nghiêm trọng, vì vậy bạn nên tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi ngừng thuốc.

6. Carsantin có tương tác với các loại thuốc khác không?

  • Có thể. Carsantin có thể tương tác với một số loại thuốc khác, bao gồm các thuốc điều trị bệnh tim, thuốc chống đông máu, và thuốc điều trị bệnh tiểu đường. Bạn nên thông báo cho bác sĩ về tất cả các loại thuốc bạn đang sử dụng để tránh tương tác không mong muốn.
DS HUỲNH THỊ NGỌC HIỀN

DS HUỲNH THỊ NGỌC HIỀN

Dược sĩ Huỳnh Thị Ngọc Hiền, Giám đốc Công ty TNHH MTV Dược Phẩm - Thiết Bị Y Tế Ngọc Hiền, là một chuyên gia trong lĩnh vực dược phẩm và thiết bị y tế. Với kinh nghiệm và kiến thức chuyên môn sâu rộng, đã góp phần mang đến những sản phẩm và dịch vụ chất lượng cao cho cộng đồng. Công ty Ngọc Hiền, tọa lạc tại địa chỉ 37D Hải Thượng Lãn Ông, khóm 6, phường 6, TP Cà Mau, luôn nỗ lực cung cấp những giải pháp tối ưu cho nhu cầu chăm sóc sức khỏe của người dân.